Tương cà là món ăn bình dị dân dã nhưng dã trở thành đặc sản của vùng quê xứ Đoài. Ở làng Hòa Thôn, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), người dân không chỉ làm tương cà dùng trong sinh hoạt gia đình mà còn phuc vụ nhu cầu thưởng thức của du khách. "Món ngon nhớ lâu", thế nên mọi người vẫn truyền miệng câu ca: “Tre Đằng Ngà, tương cà Hòa Thôn”.
Điều gì để lại ấn tượng cho người thưởng thức đối với một món ăn khá phổ biến là cà dầm tương? Theo người dân Hòa Thôn, muốn có sản phẩm tốt thì ngay từ khâu chọn nguyên liệu cũng phải rất kỹ lưỡng. Gạo nếp cái hạt to mẩy, đỗ tương quê tròn đều, muối hạt trắng tinh không lẫn tạp chất, cà bát bánh tẻ tươi nguyên. Và sau cùng là sự kỳ công của người làm để cho ra đời thứ nước chấm vàng ươm mặn mòi, giòn thơm. Mùa làm tương kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10, khi đó nắng nhiều phơi tương mới ngon. Làm tương là sự khéo léo kết hợp nguyên liệu tự nhiên, công sức người lao động và cả nắng gió thời tiết. Mẻ tương ngon phải được ủ trong chum sành. Thứ chum được nung từ đất sét không tráng men, đặc biệt trước đó không được đựng bất cứ thứ gì bên trong, nếu không khi ngâm tương sẽ chua. Gió giúp hong sấy xôi nếp cho se mặt lại để ủ mốc, nếu mốc khô quá thì không “nở” được hoa cà hoa cải, còn để ướt thì mốc sẽ thâm đen lại. Thế nên người làm tương phải canh mốc cẩn thận, khô che, ướt mở, hong đều trước gió.
Còn nắng giúp cho tương chín ngấu, lên màu đẹp, dậy mùi thơm. Nắng to quá thì che bớt lại để chum tương khỏi cạn, còn trời mây mưa phải đậy cẩn thận kẻo tương nổi váng. Nghề làm tương cũng luôn chân luôn tay săn sóc chăm bẵm như nuôi con mọn, nếu không sẽ hỏng cả mẻ. Bà Tăng Thị Mít ở làng Hòa Thôn có kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề làm tương cà, giới thiệu: “Khi chum tương đủ nắng đủ gió, lên màu đượm vị, người làm mới muối cà. Từng quả cà được làm sạch sẽ bỏ muối trên núm rồi xếp vào vại nén chặt độ gần một tháng mới lấy ra rửa sạch vắt nước, sau đó xếp vào trong chum rồi chan tương ngập mặt. Nước tương như chất bảo quản tự nhiên ướp những quả cà lép xẹp ngấm sâu vị mặn vào ruột. Cà ngâm trong tương không thể ăn xổi được, chí ít cũng phải nửa năm, còn lại để càng lâu ăn càng ngon”. Nhờ sự kỳ công nên món cà dầm tương nơi đây tạo được hương vị riêng hấp dẫn du khách.
Vượt ra khỏi làng quê, tương cà Hòa Thôn trở thành đặc sản có mặt trong các siêu thị lớn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Không những vậy, nhiều người Việt ở nước ngoài nhớ món ăn quê hương cũng đặt mua tương cà truyền thống của làng Hòa Thôn. Vì thế giá trị sản phẩm cũng được nâng lên, quả cà tuy nhỏ nhưng có giá từ 50 nghìn đồng/quả, tương từ 40 đến 50 nghìn đồng/lít. Khách nhiều nơi đặt hàng có khi tương cà làm ra không đủ cung ứng cho thị trường. Nhận thấy nghề làm tương cà có điều kiện phát triển, nhiều hộ gia đình ở Hòa Thôn đã đầu tư mở rộng thành cơ sở chế biến.
Địa phương thành lập tổ hội nghề nghiệp làm cà dầm tương với gần 20 hội viên tham gia. Anh Trường, một người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết trong làng, dành trọn tâm huyết cho nghề làm cà. Làng quê yên bình Hòa Thôn của anh là nơi nổi tiếng với thương hiệu "cà tiến vua". Chính anh, cùng với sự hỗ trợ chắc chắn từ chính quyền địa phương, đã chứng tỏ rằng, nghề truyền thống có thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu được kết hợp hài hòa với du lịch.
Theo chia sẻ của anh Trường, "Với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, cà dầm tương đã được đầu tư phát triển thành sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu của du khách. Việc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch trải nghiệm đã tạo ra một cơ hội hiếm có để quảng bá sản phẩm đến gần hơn với du khách. Nhờ có điều này, sản phẩm tương cà không chỉ thu hút đông đảo khách hàng mà còn mở ra cánh cửa cho việc tạo ra nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, giúp cho nhiều hộ gia đình được khá hơn nhờ vào nghề làm tương truyền thống độc đáo của quê hương.
Hotline: 09 15 15 15 03
Địa chỉ: Cụm 5, Hòa Thôn, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội
https://www.facebook.com/Catienvua/
Email: cadamtuonginfo@gmail.com